Xem chi tiết bài viết - Thị trấn Cửa Tùng - Vĩnh Linh

Xây dựng đô thị văn minh
 

Nghị lực của một cựu thanh niên xung phong


Ngày cập nhật:  Ngày cập nhật:  10:59, Thứ Sáu, 8-7-2022

(QT) - Trong chiến tranh, cô là một nữ thanh niên dũng cảm, kiên cường, không lùi bước trước mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trở về cuộc sống đời thường, cô lại tiên phong trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trở thành tấm gương bình dị mà cao quý giữa cộng đồng. Đó là cô Lê Thị Dỉu, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh).

 

Cô Lê Thị Dỉu (bên trái) chia sẻ niềm vui với bạn bè sau một ngày làm việc​

 

Năm 1972, khi vừa tròn 19 tuổi, cô gái Lê Thị Dỉu đã cùng bạn bè tình nguyện tham gia lực lượng TNXP tại Gio Linh với nhiệm vụ tiếp tế đạn dược phục vụ chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Cô Dỉu nhớ lại: “Ngày ấy, cả quê hương đang sục sôi đánh Mỹ, được tham gia lực lượng TNXP là niềm tự hào của chúng tôi. Mặc dù hằng ngày chúng tôi tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược cả đường sông và đường bộ dưới bom đạn của kẻ thù nhưng không ai lùi bước. Trong lòng mỗi người luôn vững niềm tin một ngày không xa đất nước sẽ được hòa bình thống nhất, BắcNam sum họp một nhà”. Như niềm tin của những TNXP như cô Dỉu, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã vĩnh viễn xóa bỏ sự chia cắt đau thương, non sông nối liền một dải, hai miền Nam- Bắc đoàn tụ, thống nhất. Chiến tranh đi qua, cô Dỉu trở về quê hương, lập gia đình với anh thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Quý rồi bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Gia đình nhỏ trọn vẹn hơn khi 5 người con (4 gái, 1 trai) lần lượt chào đời. Tuy nhiên, để xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay đối với cô Dỉu là một chặng đường gian nan, vất vả, là thử thách lớn đối với hai con người bước ra từ chiến tranh.

Vốn sinh ra và lớn lên từ làng biển nên cô Dỉu bắt tay vào khởi nghiệp bằng nghề buôn bán hải sản. Ban đầu, do ít vốn nên cô chỉ buôn bán nhỏ qua ngày, buổi sáng, khi các tàu thuyền vào bờ mang theo nguồn hải sản tươi sống từ biển khơi, cô Dỉu thu mua rồi mang đến bán tại các chợ trên địa bàn. Vốn là người phụ nữ chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ, bằng sự chắt chiu, dành dụm, nghề buôn bán nhỏ đã đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình cô, giúp vợ chồng cô có điều kiện nuôi các con ăn học. Năm 1983, nhận thấy nguồn hải sản do các ngư dân đánh bắt được ngày càng dồi dào, với vốn kinh nghiệm buôn bán sẵn có, cô Dỉu đã vay vốn đóng mới chiếc thuyền trị giá 50 triệu đồng, hằng ngày ra đảo Cồn Cỏ thu mua hải sản rồi phân phối lại cho các chợ tại địa phương và một số vùng lân cận. Nhờ tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, chủ động thị trường tiêu thụ hải sản nên công việc của cô Dỉu ngày càng thuận lợi và phát triển. Bên cạnh đó, cô còn mở thêm lò hấp sấy cá với quy mô 6 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho 11 lao động tại địa phương. Bước qua tuổi 66, vợ chồng cô Dỉu đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi, có nguồn thu nhập hằng năm gần 200 triệu đồng. Và niềm tự hào lớn nhất của cô chính là đã nuôi dạy các con thành đạt, xây dựng được sự nghiệp vững vàng, cơ nghiệp mà cô vất vả gây dựng nên đang được các con tiếp quản và phát triển khá tốt.

Đến vùng biển An Đức 2, ngoài hình ảnh một người cựu TNXP tiên phong trong phát triển kinh tế, cô Dỉu còn được biết đến là một phụ nữ nhân hậu, luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ những phận đời không gặp may mắn trong cuộc sống. Tình cờ trong câu chuyện với cô, chúng tôi được biết trong số những lao động cô nhận vào làm tại cơ sở hấp sấy cá và lao động làm việc trên thuyền thu mua hải sản có khá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Dỉu, cuộc sống của họ đã thực sự đổi thay. Với chị Nguyễn Thị Thủy, khu phố Hòa Lý, cô Dỉu như người đỡ đầu, là ân nhân cưu mang gia đình chị vượt qua những ngày gian khó. Sinh đến 6 người con nhưng vợ chồng chị Thủy lại không có việc làm ổn định, thu nhập thất thường nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được cô Dỉu nhận vào làm tại cơ sở hấp sấy cá với thu nhập bình quân từ 200-500 ngàn đồng/ngày, có tiền để trang trải cuộc sống, kinh tế gia đình chị Thủy dần ổn định hơn. Được biết, tại cơ sở của cô Dỉu có đến 4 lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vừa tạo việc làm cho người nghèo, cô Dỉu còn tận tình giúp đỡ các hộ nghèo bằng các phần quà động viên vào dịp lễ, tết hay khi các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Cùng với đó, cô Dỉu còn là một người năng nổ, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương, được người dân tin yêu, mến phục. Hằng năm, cô luôn dành một phần kinh phí để ủng hộ các phong trào từ thiện, xã hội tại địa phương với mong muốn được chung tay chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

CÁC TIN KHÁC